Thông tin buổi tọa đàm
Thời gian: 9h00 – 12h00, ngày 24/01/2021
Địa điểm: BKHUP Co-working space, tầng 3, tòa nhà A17, số 17 Tạ Quang Bửu, Hà Nội
Người tham dự
Ban tổ chức: Quỹ Hỗ trợ Phát triển Thanh niên
- Chị Nguyễn Cẩm Chi – Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ
- Chị Đinh Huyền Hương – Giám đốc Quỹ
- Hà Vân Anh – Quản lý văn phòng
- Đoàn Hồng Ngọc – Chuyên viên Phát triển dự án
- Phạm Đoàn Mai Linh – Chuyên viên nội dung
- Nguyễn Thu Huyền – Chuyên viên thiết kế
- Bùi Thùy An – Hành chính Nhân sự
- Lê Thu Thảo – Hành chính Nhân sự
Các khách mời danh dự
- Chị Vũ Hường – Giám đốc phát triển Chương trình và Cộng đồng, BK-Holdings
- Anh Trần Quang Hưng – Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội
- Chị Ngô Việt Hương – Cố vấn của Young Leaders Network
- Chị Tuệ Nguyễn – Sáng lập viên Chương trình Định hướng và Phát triển Sự nghiệp Dragon Asia Career Development Vietnam
Mentor
- Anh Cao Xuân Nhật: Mentor nội dung Đối ngoại – Truyền thông, hiện đang là Giám đốc chương trình Lãnh đạo trẻ ABG
- Anh Trần Hoàng Mai: Mentor nội dung Quản lý Nguồn nhân lực, hiện đang là Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội
- Chị Đỗ Thúy Quỳnh: Mentor nội dung Phát triển Chương trình. Đồng Sáng lập & Cựu Điều phối Trưởng Toàn quốc Mạng lưới 2030 Youth Force Vietnam
- Anh Nguyễn Bá Hưng: Mentor nội dung Quản lý Tài chính – Hậu cần, hiện đang là Giám đốc Điều hành công ty G-SOF, chuyên dịch vụ hỗ trợ bán hàng và kho vận ở Đông Nam Á.
50 bạn sinh viên đang là chủ nhiệm, phó chủ nhiệm đến từ 40 CLB của hơn 15 trường đại học, tổ chức trên địa bàn Hà Nội
- Học viện Ngân hàng
- Đại học Kinh tế – ĐHQGHN
- Đại học Kinh tế Quốc dân
- Đại học Điện Lực
- Đại học Ngoại Ngữ
- Đại học Y Hà Nội
- Học viện Y Dược học Cổ Truyền Việt Nam
- Đại học Công Nghiệp Hà Nội
- Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
- ĐH Mỏ – Địa chất
- ĐH Giáo dục – ĐHQGHN
- Học viện Nông nghiệp Việt Nam
- Học viện Tài chính
- Đại học Ngoại Thương
- Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
- Đại học Kiến Trúc Hà Nội
- TopCV
Giới thiệu chung:
Trở thành chủ nhiệm, phó chủ nhiệm của một câu lạc bộ (CLB) là một thành công của các bạn sinh viên, tuy nhiên để làm tốt vai trò “người thuyền trưởng” cũng là một thách thức mà đòi hỏi những lãnh đạo trẻ phải có kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm để làm tốt nhiệm vụ của mình. Với chủ đề “Giải pháp đổi mới sáng tạo cho tổ chức thanh niên trong thời đại 4.0”, FYE cùng các vị cố vấn và khách mời mong muốn được lắng nghe những khó khăn của các chủ nhiệm, từ đó xây dựng chương trình, hoạt động đào tạo giúp bồi dưỡng những kỹ năng cho các bạn thành viên.
Mở đầu
Chị Nguyễn Cẩm Chi – Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ phát biểu mở đầu sự kiện: “Năm 2020 là một năm mà nhiều dự định chưa được hoàn thành bởi tác động của dịch bệnh, đó là năm bản lề để FYE nhìn lại những công việc cần làm để chuẩn bị tốt hơn trong năm 2021. Với sứ mệnh mang đến nhiều giá trị ý nghĩa và trang bị những kiến thức, kĩ năng cần thiết để thu ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp và các bạn sinh viên, Quỹ FYE dự định thành lập mạng lưới lãnh đạo trẻ Young Leaders Network, ở đó hội tụ những chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, trưởng ban các câu lạc bộ (CLB) của các trường Đại học – Cao Đẳng, các dự án, tổ chức xã hội. Young Leaders Network được tạo ra nhằm giúp các lãnh đạo trẻ giải quyết những vấn đề các bạn đang gặp phải khi điều hành một nhóm, đội, tổ chức và tạo không gian cho các thành viên được thể hiện tiếng nói của mình. Chính vì vậy, để lắng nghe và thấu hiểu những khó khăn mà các chủ nhiệm trẻ đang đối mặt cũng như giới thiệu về cách vận hành của Young Leaders Network, FYE đã quyết định tổ chức sự kiện “Young Leaders Forum” ngày hôm nay cùng sự tham gia của bốn cố vấn và hai khách mời có kinh nghiệm dày dặn, chuyên môn sâu trong nhiều lĩnh vực. Thay mặt Quỹ Hỗ trợ Phát triển Thanh niên, xin chúc sự kiện sẽ diễn ra thành công, chúc các vị đại biểu và các em học sinh một năm mới an khang, thịnh vượng.”
Chị Nguyễn Cẩm Chi – Chủ tịch HĐQL Quỹ lên phát biểu mở đầu
Tiếp theo, chị Vũ Hường (Jen Nguyễn) – Giám đốc Phát triển Chương trình và Cộng đồng của BK-Holdings giao lưu và chia sẻ cùng các chủ nhiệm CLB: “Trong suốt quá trình học tập và làm việc từ khi còn là sinh viên đến nay, chị muốn nhấn mạnh tới ba yếu tố quan trọng khi các bạn đang là những “thuyền trưởng” trẻ của các đội, nhóm, tổ chức. Ba yếu tố đó bao gồm “Share” (sự chia sẻ) – “Skill” (kỹ năng) – “Service Mindset” (tư duy phục vụ). Một lãnh đạo trẻ, trước hết, phải có những kỹ năng, kiến thức vững vàng để vận dụng vào công việc. Hơn nữa, một leader cần biết cách không chỉ chia sẻ công việc, kiến thức mà còn biết lắng nghe những trăn trở, ý kiến của các thành viên trong trong nhóm. Đặc biệt yếu tố quan trọng hơn cả chính là tư duy phục vụ – lãnh đạo nhưng nhiệm vụ chính là “phục vụ” thành viên, thúc đẩy tiềm lực của các bạn. FYE chính là hình mẫu tổ chức với tư duy phục vụ, Quỹ đang làm tốt nhiệm vụ của mình, tạo nên một mạng lưới thu hút những lãnh đạo trẻ, giúp các bạn có thể phát huy thật tốt những tài năng vốn có và tiếp thu kiến thức cần thiết để hoàn thiện chính mình.”
Chị Vũ Hường, Giám đốc Phát triển Chương trình và Cộng đồng của BK-Holdings giao lưu và chia sẻ cùng các chủ nhiệm CLB
Hoạt động khởi động cho các bạn sinh viên
Phần 1: Trò chơi “Find your soulmate”
Chị Tuệ Nguyễn, Sáng lập viên Chương trình Định hướng và Phát triển Sự nghiệp Dragon Asia Career Development Vietnam, đã điều hành trò chơi khởi động. Mỗi bạn sẽ lựa chọn một câu danh ngôn nổi tiếng và chia sẻ lý do lựa chọn câu đó với một bạn bất kì, sau đó tiếp tục gặp một bạn khác để chia sẻ điều mình tiếp thu được khi lắng nghe chia sẻ của người bạn gặp trước đó. Mỗi bạn tham dự sẽ có mười phút để kết nối với 2-3 bạn khác trong chương trình.
Các bạn sinh viên tham gia trò chơi “Find the soulmate”
Phần 2: Chia sẻ
Sau mười phút, chị Tuệ mời 2 bạn chia sẻ về bản thân và những điều bạn học được khi gặp gỡ những người bạn mới.
Bạn Huyền (thuộc CLB Truyền thông HPT – trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) lựa chọn câu nói “Mỗi người có một tài năng riêng, nếu phát huy đúng tài năng thì họ là người tài, nếu không biết phát huy tài năng của họ thì họ là người vô dụng”. Câu nói giúp bạn hiểu về cách dùng người, liên quan trực tiếp tới cách quản lý nhân sự trong CLB. Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian tham gia trò chơi, bạn ấn tượng nhất với bức ảnh miêu tả một tảng băng, trong đó có một phần nổi và chín phần chìm. Qua lắng nghe chia sẻ, bạn hiểu được bài học “Chúng ta phải cố gắng rất nhiều trước khi đạt đến đỉnh cao, thành công”.
Câu nói mà bạn Kim Anh (chủ nhiệm CLB Doanh nhân trẻ tiên phong Dynamic NEU – trường Đại học Kinh tế Quốc dân) ấn tượng nhất là “Hãy khơi thông dòng chảy trong bạn trước khi dẫn dắt người khác”. Câu nói khiến bạn nhớ tới cụm từ “Self-leadership” (tự lãnh đạo bản thân), điều đó có ý nghĩa “Trước khi lãnh đạo người khác, bạn cần hiểu chính mình, hiểu đam mê và thế mạnh của bản thân.”
Phần thảo luận và trình bày giải pháp giữa các nhóm
Những người tham gia được chia thành 4 nhóm và mỗi mentor sẽ cố vấn một mảng nội dung cho từng nhóm đó, cụ thể:
- Nhóm 1: anh Trần Hoàng Mai cố vấn về Quản lý Nguồn nhân lực
- Nhóm 2: anh Nguyễn Bá Hưng cố vấn về Quản lý Tài chính – Hậu cần
- Nhóm 3: chị Đỗ Thúy Quỳnh cố vấn về Phát triển Chương trình
- Nhóm 4: anh Cao Xuân Nhật cố vấn về Đối ngoại – Truyền thông
Mỗi nhóm sẽ có 20 phút thảo luận và 10 phút thuyết trình. Tất cả các bạn đều tích cực tham gia thảo luận, đặt câu hỏi cho các cố vấn. Các nhóm đều có kỹ năng làm việc nhóm rất tốt và hỗ trợ nhau trong cách trình bày thông tin và khi thuyết trình.
Nhóm 1: trình bày những khó khăn và giải pháp trong lĩnh vực Quản lý Nguồn nhân lực
Khó khăn:
- Thiếu sự dẫn dắt của trưởng ban, chủ tịch CLB.
- Chênh lệch năng lực giữa leader – thành viên, giữa các thành viên.
- Thiếu tinh thần trách nhiệm và sự gắn kết của thành viên.
Giải pháp
- Xây dựng những buổi đào tạo nội bộ cho các thành viên.
- Tổ chức các chương trình bonding, gắn kết tình cảm.
- Xây dựng giá trị cốt lõi của CLB, chia sẻ những giá trị đó tới các thành viên để họ hiểu mình nên làm gì và sẽ đóng góp điều gì cho tổ chức.
Nhóm 2: trình bày những khó khăn và giải pháp trong lĩnh vực Quản lý Tài chính – Hậu cần
Nhóm 2 liệt kê hai vấn đề lớn nhất mà CLB gặp về mảng tài chính, đó là tìm kiếm nguồn tài chính và tìm kiếm nhà tài trợ phù hợp.
Để giải quyết vấn đề trong tìm kiếm nguồn tài chính, nhóm đề xuất:
- Tổ chức chương trình gây quỹ.
- Thiết lập quỹ nội bộ do thành viên đóng góp.
Để tìm kiếm nhà tài trợ phù hợp, nhóm 2 chia những đối tượng nhà tài trợ thành ba nhóm: “nguồn nóng”, “nguồn ấm” và “nguồn lạnh”. “Nguồn nóng” bao gồm những anh/chị cựu thành viên của tổ chức – những người thành đạt, trực tiếp bước ra từ CLB. “Nguồn ấm” là danh sách những nhà tài trợ được kết nối, được giới thiệu từ các cựu thành viên hoặc thành viên trong tổ chức. “Nguồn lạnh” thuộc nhóm những nhà tài trợ mà CLB phải tự tiếp cận để giới thiệu chương trình và kêu gọi tài trợ.
Trong công tác quản lý hậu cần, nhóm 2 trình bày ba giải pháp:
- Thống kê khoản kinh phí dự trù sát thực tế nhất và ưu tiên cho mục quan trọng hơn.
- Tận dụng tối đa nguồn tài nguyên có sẵn từ thành viên, ví dụ các thành viên sử dụng đồ sẵn có của mình để đóng góp cho sự kiện, tự sáng tạo sản phẩm handmade… để giảm chi phí hậu cần.
- Kiểm soát nguồn chi – nguồn thu hợp lý để không thâm hụt kinh phí.
Nhóm 3: trình bày những khó khăn và giải pháp trong lĩnh vực Phát triển Chương trình
Hai vấn đề lớn nhất trong nội dung Xây dựng chương trình là:
- Có nhiều ý tưởng nhưng không chọn được ý tưởng hiệu quả nhất.
- Nội dung chương trình từ kế hoạch ra thực tế rất khác nhau.
Với vấn đề thứ nhất, nhóm 3 đề xuất hướng giải quyết: CLB cần làm rõ mục đích của sự kiện, xác định đúng đối tượng tham dự, nắm vững kiến thức chuyên môn về chủ đề trong sự kiện và lựa chọn ý tưởng theo tiêu chí SMART.
Với vấn đề thứ hai, sau khi tổ chức một sự kiện và nhận ra nội dung chương trình thực tế khác với với kế hoạch, CLB nên họp nội bộ để rút kinh nghiệm tổ chức sự kiện, tham khảo tư vấn từ những mentor, các anh/chị cựu chủ nhiệm CLB và đề xuất các phương án dự phòng cho những rủi ro có thể xảy ra khi tổ chức.
Nhóm 4: trình bày những khó khăn và giải pháp trong lĩnh vực Đối ngoại – Truyền thông
Những khó khăn về truyền thông mà các CLB gặp phải:
- Khó khăn xây dựng chiến dịch truyền thông: nội dung truyền thông chưa sáng tạo, thiếu điểm thu hút; chất lượng, video sử dụng để truyền thông chưa cao; chưa bám sát kế hoạch truyền thông.
- Nhân sự trong team truyền thông: kỹ năng “non”, chưa vững kiến thức; thiếu sự gắn kết với công việc trong team.
Những khó khăn về đối ngoại mà các CLB gặp phải:
- Khó khăn trong việc liên hệ báo chí.
- Chưa biết cách thể hiện điểm độc đáo nhất của dự án, trình bày quyền lợi tương ứng để thu hút nhà tài trợ.
Trong thời gian thời gian thảo luận, nhóm 4 đề xuất một số giải pháp:
- Về truyền thông: đầu tư xây dựng và sáng tạo chiến dịch truyền thông, trong đó BTC cần xác định rõ đối tượng mà sự kiện hướng tới; truyền thông được điểm độc đáo và lợi ích của người tham gia khi đến với sự kiện. Bên cạnh đó, CLB nên tổ chức đào tạo nội bộ cho các thành viên team truyền thông để nâng cao kỹ năng, kiến thức, đồng thời thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt để gắn kết thành viên.
- Về đối ngoại: để thu hút được nhà tài trợ, chủ nhiệm CLB cần trả lời được câu hỏi “Lợi ích mà chương trình mang lại cho các nhà tài trợ là gì?”, đặc biệt mỗi nhà tài trợ cần được cung cấp những lợi ích khác nhau để thuyết phục họ.
Sau phần thuyết trình của các nhóm và tea-break, chị Ngô Việt Hương nhận xét:
– Nhóm 1 có phần trình bày sáng tạo, nhưng bạn thuyết trình đang hơi đặt tính cá nhân trong phần trình bày.
– Nhóm 2: bài thuyết trình chưa thuyết phục và chưa hiểu sâu.
– Nhóm 3 và nhóm 4 có phần giao lưu giữa các bạn khán giả, tuy nhiên về nội dung trình bày, nhóm 4 thể hiện tốt hơn và là nhóm duy nhất có phần tóm tắt phần thuyết trình của mình.
Chị Ngô Việt Hương, Cố vấn của Young Leaders Network và cũng là thành viên Hội đồng Giám khảo, nhận xét và góp ý cho từng nhóm
Không chỉ vậy, anh Trần Quang Hưng – Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội cũng có mặt trong diễn đàn và chia sẻ với các bạn sinh viên: “Sau khi lắng nghe bốn phần trình bày của bốn nhóm, anh cảm thấy rất vui vì tinh thần tự tin và sự đoàn kết khi làm việc nhóm của các đội. Từ đó anh hoàn toàn tin tưởng những chủ nhiệm đang có mặt tại đây sẽ có rất nhiều cơ hội khi bước vào thị trường lao động tương lai. “Young Leaders Network” sẽ là cộng đồng tập hợp những sinh viên trẻ tài giỏi và tại đó các bạn được bồi dưỡng kiến thức và những kỹ năng lãnh đạo từ các cố vấn nhiệt huyết và giàu kinh nghiệm. Trong năm 2021, Thành đoàn Hà Nội sẽ kết hợp cùng các trường Đại học – Cao Đẳng, phối hợp cùng FYE để tạo nhiều chương trình và không gian sáng tạo, thể hiện tài năng hơn cho các bạn sinh viên. Thay mặt Thành đoàn Hà Nội, rất cảm ơn chị Chi và chị Hương đã tạo nên mạng lưới lãnh đạo trẻ mang tới nhiều giá trị cho các bạn sinh viên.”
Anh Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội chia sẻ về những hợp tác với FYE trong thời gian tới
Giới thiệu Young Leaders Network
Chị Huyền Hương, Giám đốc Quỹ FYE chia sẻ: “Buổi Young Leaders Forum là nơi các bạn được chia sẻ khó khăn và lắng nghe tư vấn từ những mentors. Vậy sẽ như thế nào nếu chúng ta có một mạng lưới giữa các chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, và những thủ lĩnh trẻ đến từ các tổ chức, dự án xã hội? Đó là lý do tại sao FYE quyết định sẽ thành lập Young Leaders Network. Chương trình ra đời với ba sứ mệnh: phát triển cá nhân, phát triển cộng đồng, và phát triển xã hội. Mô hình mạng lưới được xây dựng từ bốn nhóm đối tượng bao gồm doanh nghiệp, cố vấn, ban chủ nhiệm – thành viên và nhà trường. Khi trở thành thành viên của mạng lưới, các bạn sẽ có cơ hội gặp nhiều cố vấn đến từ nhiều doanh nghiệp khác nhau, có kinh nghiệm trong các lĩnh vực như truyền thông – đối ngoại, tài chính, xây dựng nội dung, quản lý nhân sự,… Không chỉ vậy, các bạn còn được mở rộng networking với những bạn trẻ tài năng, được tham dự các buổi tọa đàm, workshop nội bộ chỉ dành cho thành viên về những kỹ năng lãnh đạo, bộ kỹ năng của thế kỷ 21. Do đó mạng lưới là nơi kết nối tuyệt vời nhất để gắn kết những tài năng trẻ và các anh, chị đi trước.”
Chị Định Huyền Hương, Giám đốc Quỹ giới thiệu về mạng lưới toàn quốc dành cho chủ nhiệm, phó chủ nhiệm các CLB, dự án trên toàn quốc Young Leaders Network
Phần Q&A
Câu hỏi 1: Em nhận thấy tất cả các CLB đều gặp vấn đề về nhân sự. Khi điều hành CLB, em gặp vấn đề về quản trị con người, các thành viên mới vào rất vui nhưng khi giao nhiệm vụ, các bạn làm không hết mình, không có trách nhiệm với công việc được giao, có bạn khá “trầm”. Vậy em nên làm thế nào để khám phá năng lực và giúp các bạn tham gia tích cực hơn?
Trả lời: Trước hết, đó là câu chuyện về tuyển thành viên. Khi tuyển những thành viên mới, CLB cần chọn những bạn phù hợp chứ không phải những bạn giỏi. Do đó em cần tìm hiểu thêm về kỹ năng tuyển dụng để lựa chọn thành viên phù hợp với tổ chức của mình. Sau khi tuyển được thành viên, chủ nhiệm của CLB cần hiểu điểm mạnh của các bạn bằng cách chủ động trao đổi, góp ý cho nhau, đánh giá sau một khoảng thời gian hoạt động để giúp các bạn thành viên nhận ra sự tiến bộ trong quá trình làm việc cũng như truyền thêm động lực cho mỗi bạn.
Câu hỏi 2: Khi tổ chức một sự kiện, em nhận thấy sự kiện thực tế rất khác so với kế hoạch ban đầu CLB đề ra. Vậy em nên làm thế nào để chương trình không bị gặp nhiều khó khăn, bị “fail”?
Trả lời: Đầu tiên, các em nên chấp nhận những điểm chưa hoàn thiện của sự kiện đó, chấp nhận sai để rút ra bài học cho chính mình vì nếu các em là đúng, em sẽ chỉ biết một cách làm nhưng khi các em làm sai, các em sẽ nghĩ ra nhiều cách làm đúng khác nhau để khắc phục lỗi lầm. Quan trọng hơn cả, các em cần rút ra bài học sau mỗi lần tổ chức sự kiện. Trong đó, ngay từ bước lên kế hoạch, leader phải lên checklist các đầu công việc từ giai đoạn đầu đến giai đoạn cuối của sự kiện để luôn đảm bảo chương trình đang đi đúng hướng.
Sự kiện Young Leaders Forum mặc dù khá “cháy” thời gian về cuối, thế nhưng khi kết thúc, các bạn sinh viên tham gia đều hứng khởi, cảm thấy hiểu biết thêm về cách lãnh đạo đội, nhóm của mình. Các cố vấn cũng cảm thấy rất vinh dự khi được lắng nghe những khó khăn của các bạn và được chia sẻ kinh nghiệm của mình để giúp các thủ lĩnh trẻ trở thành những leaders tốt hơn.
Lời cảm ơn
Quỹ Hỗ trợ Phát triển Thanh niên (FYE) xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ và tham gia tích cực của các bạn leaders từ những CLB, dự án, trường đại học, doanh nghiệp khác nhau trên địa bàn Hà Nội. Và không thể thiếu:
- Đơn vị tài trợ địa điểm: BK-Holdings
- Đơn vị bảo trợ chuyên môn: Viện Lãnh đạo ABG
- Khách mời danh dự đã có những phần chia sẻ hữu ích dành cho các bạn sinh viên: chị Vũ Hường (Giám đốc phát triển Chương trình và Cộng đồng, BK-Holdings); anh Trần Quang Hưng (Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội); chị Ngô Việt Hương (Cố vấn của Young Leaders Network); và chị Tuệ Nguyễn (Sáng lập viên, chương trình Định hướng và Phát triển Sự nghiệp Dragon Asia Career Development Vietnam)
- Đội ngũ mentors cực kì tâm huyết và thân thiện: anh Cao Xuân Nhật (mentor mảng Đối ngoại – Truyền thông); anh Trần Hoàng Mai (mentor mảng Quản lý nguồn nhân lực); chị Đỗ Thuý Quỳnh (mentor mảng Phát triển Chương trình); và anh Nguyễn Bá Hưng (mentor mảng Quản lý Tài chính – Hậu cần)
—————————
FYE là quỹ xã hội phi lợi nhuận, được thành lập theo Quyết định số 102/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ cấp ngày 24 tháng 02 năm 2020. Ngày 04 tháng 05 năm 2020, Quỹ ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện số 01/TTHT/FYE-TWD với Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về việc kết hợp đào tạo, hỗ trợ thanh niên.
Young Leaders Network là một không gian kết nối và trao đổi kiến thức, hội tụ các lãnh đạo trẻ trên toàn quốc hiện đang là chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, cựu chủ nhiệm các Câu lạc bộ sinh viên (CLB), lãnh đạo các Liên Chi Hội cấp Khoa, cấp Trường tại các trường Đại học – Cao đẳng (ĐH-CĐ), tổ chức xã hội, doanh nghiệp, start-up trên lãnh thổ Việt Nam. Mạng lưới tổ chức các hoạt động cốt lõi để các lãnh đạo trẻ được nói lên tiếng nói của mình, cung cấp cho các nhà lãnh đạo trẻ những kiến thức cập nhật trên thế giới và những câu chuyện ngắn gọn nhưng đầy sức ảnh hưởng, giúp các nhà lãnh đạo trẻ đề ra các giải pháp đổi mới sáng tạo cho tổ chức của mình. Từ đó tạo sự tác động và lan tỏa đến nhiều thế hệ thanh niên và phát triển kinh tế – xã hội.