Phỏng vấn chính là cơ hội để gây ấn tượng và đề cử bản thân như một ứng viên sáng giá cho công việc. Không ít các bạn sinh viên thể hiện rất tốt trong vòng hồ sơ nhưng lại để đánh trượt cơ hội tại vòng phỏng vấn chỉ bởi những sai sót không đáng có. Do đó việc dành một chút thời gian và công sức để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn có thể là yếu tố quyết định việc bạn có lọt vào vòng tiếp theo, hay có trở thành một phần chính thức của công ty không.
Thực tế cho thấy không chỉ riêng những bạn sinh viên lần đầu tiên đi phỏng vấn mà kể cả những bạn có kinh nghiệm “nhảy việc” cũng có thể bối rối trước những câu hỏi hóc búa. Vậy kỹ năng phỏng vấn như thế nào để có thể dễ dàng ‘’hạ gục’’ nhà tuyển dụng? Hãy cùng FYE tìm hiểu ngay sau đây!
Trước buổi phỏng vấn
⭐️Chuẩn bị tâm lý thoải mái trước buổi phỏng vấn
Có nhiều người thắc mắc tại sao với những cuộc phỏng vấn họ không quá coi trọng thậm chí họ đã chuẩn bị sẵn tâm lý thất bại, họ chỉ xem đi phỏng vấn cũng như một cuộc dạo chơi nhưng cuối cùng lại được nhận. Ngược lại đứng trước một công ty mình yêu thích, họ đã chuẩn bị nghiêm túc cho cuộc phỏng vấn nhưng cuối cùng vẫn bị loại. Mấu chốt chính là vấn đề tâm lý, khi giữ được tâm lý bình ổn, họ sẽ không bị áp lực, không cảm thấy căng thẳng, giúp buổi phỏng vấn trở nên cởi mở hơn.
Điều chỉnh tâm lý thoải mái trong lần đầu tiên phỏng vấn không dễ dàng, thế nhưng qua nhiều lần luyện tập (một mình trước gương hoặc với người quen biết), bạn sẽ dần dần làm quen được với những quy tắc ứng xử trong buổi phỏng vấn. Đừng đặt quá nặng áp lực trên vai mình mà hãy hiểu rằng “thuận mua vừa bán”, công ty bạn phỏng vấn đang cần chuyên môn của bạn và bạn đang trao đổi bằng sức lao động của mình một cách bình đẳng. Nếu cuộc phỏng vấn không diễn ra theo ý muốn, đó cũng là một trải nghiệm quý báu giúp bạn không lặp lại lỗi lầm và làm tốt hơn về sau.
⭐️Chuẩn bị các kiến thức cơ bản cho buổi phỏng vấn
Ngoài chuẩn bị tâm lý, bạn cũng nên chuẩn bị những câu hỏi phỏng vấn thường gặp khi đi phỏng vấn, đặc biệt là những kiến thức cơ bản nhất về công ty như: Tên công ty, lĩnh vực hoạt động của cty, thành tựu đạt được, CEO là ai, môi trường kinh doanh, đối thủ kinh doanh của họ,…
Không điều gì tệ hại hơn việc bạn đi phỏng vấn mà không biết chút gì về nơi mình đang ứng tuyển. Điều này thật sự sẽ khiến cơ hội trúng tuyển của bạn giảm đi rất nhiều. Ngoài ra, khi bạn nghiên cứu kỹ về những hoạt động của công ty cũng như vị trí mà bạn đang ứng tuyển cũng sẽ giúp bạn vạch ra kế hoạch cụ thể khi vào công ty, những năng lực cần thể hiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tất cả những sự chuẩn bị này sẽ giúp người phỏng vấn biết rằng bạn đang rất quan tâm tới vị trí đang ứng tuyển và bạn sẽ dễ dàng thuyết phục nhà tuyển dụng hơn.
⭐️Lưu ý trang phục đến phỏng vấn
Dù cho bạn có là người yêu thích sự thoải mái và tiện lợi thì cũng đừng diện quần quá ngắn hoặc áo ba lỗ để tham dự một buổi phỏng vấn xin việc. Ấn tượng đầu tiên không phải là tất cả nhưng sẽ quyết định thiện cảm của người phỏng vấn đối với bạn. Đồng thời việc mặc trang phục nghiêm túc chứng tỏ bạn hiểu biết về văn hóa doanh nghiệp và tôn trọng nhà tuyển dụng.
Và điều cuối cùng, tuyệt đối đừng đến muộn khi đi phỏng vấn. Nếu không, mọi sự cố gắng của bạn sẽ “đổ sông đổ bể”.
Trong buổi phỏng vấn
⭐️Đừng xem thường ấn tượng ban đầu
Ấn tượng ban đầu sẽ quyết định người phỏng vấn có cảm tình với bạn hay không. Không phải nhà tuyển dụng nào cũng cởi mở, niềm nở với người xin việc, có thể điều này sẽ làm bạn bị cuốn theo và trở nên căng thẳng. Nếu họ không bắt chuyện trước, hãy ghi điểm bằng cách chủ động hơn trong cuộc hội thoại.
Vừa bước vào phỏng phỏng vấn, bạn hãy mỉm cười và chào hỏi lịch sự với nhà tuyển dụng. Nếu bạn có khả năng giao tiếp tốt, hãy tìm một chi tiết nhỏ để bắt chuyện một cách thật tự nhiên.
Hãy xem buổi phỏng vấn là một cuộc đối thoại, nhà tuyển dụng hỏi gì, bạn hãy trả lời thật nhẹ nhàng, nhiệt tình nhưng vẫn nằm trong một giới hạn nhất định.
⭐️Giao tiếp bằng ánh mắt
Đừng cúi gằm mặt hay nhìn vào chỗ khác khi trả lời phỏng vấn vì nó đem lại cảm giác tâm trí bạn đang ở nơi khác thay vì tập trung vào cuộc nói chuyện. Hãy ngồi thẳng lưng, nhìn vào mắt nhà tuyển dụng, giao tiếp với họ ngay trong ánh nhìn để thể hiện bạn đang nghiêm túc và tự tin với công việc này.
Lời khuyên chân thành là bạn hãy là chính mình khi phỏng vấn, bởi vì năng lượng bạn truyền tải đến nhà tuyển dụng sẽ giúp họ biết bạn có phù hợp với môi trường làm việc hay không. Nếu bạn nhiệt thành, bạn chuyên nghiệp, bạn đam mê, chân thật,… hãy chứng minh cho họ thấy bằng ánh mắt, giọng nói, kiến thức của bạn. Đừng cố gồng mình biến thành một người khác khi phỏng vấn, hãy là chính bạn để không có những quyết định sai lầm.
⭐️Biết cách đặt câu hỏi để tránh thụ động
Trong buổi phỏng vấn, bạn đừng để bản thân trở nên thụ động khi chỉ toàn trả lời những câu hỏi được nhà tuyển dụng đặt ra. Một kỹ năng trả lời phỏng vấn rất quan trọng mà không phải ai cũng biết đó là biết cách đặt câu hỏi ngược lại. Việc thỉnh thoảng đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng sẽ khiến buổi phỏng vấn trở nên nhẹ nhàng hơn, giống như một buổi nói chuyện thân mật chứ không phải là một bài kiểm tra căng thẳng và áp lực.
Ngoài ra, nhà tuyển dụng cũng sẽ hài lòng khi biết mức độ quan tâm của bạn đối với công việc trong tương lai là rất cao. Không chỉ vậy, đôi khi bạn cũng cần phải hỏi rõ quy chế, chế độ, lương thưởng của công ty để biết được liệu hai bên có làm việc cùng nhau lâu dài hay không.
⭐️Chú ý đến kỹ năng mềm
Ngoài kiến thức chuyên môn thì kỹ năng mềm cũng là điều mà nhà tuyển dụng tìm kiếm. Vì vậy trong quá trình phỏng vấn, hãy cố gắng thể hiện càng đầy đủ càng tốt các kỹ năng mà bạn có được như giao tiếp, đàm phán, làm việc nhóm, học hỏi nhanh… Nếu bạn giỏi ngoại ngữ, hoặc khá “rành” về công nghệ thông tin, có khả năng viết lách… đừng ngần ngại cho người phỏng vấn biết, rất nhiều công việc dù không thuộc các lĩnh vực trên nhưng đều ưu tiên ứng viên có các kỹ năng này.
Sau buổi phỏng vấn
⭐️Đây là những việc bạn nên làm sau cuộc phỏng vấn:
Nếu được nhận việc, hãy viết email cảm ơn nhà tuyển dụng trong vòng 24 giờ.
Kể cả khi thất bại, hãy giữ bình tĩnh và đừng tỏ thái độ. Lời cảm ơn sẽ giúp nâng giá trị của bạn.
Nếu bạn có nhiều lựa chọn và không muốn nhận công việc đó, hãy thẳng thắn email càng sớm càng tốt. Đừng “lặn mất tăm”, không nhấc máy, không có bất cứ phản hồi nào. Hãy rèn luyện cho mình cách ứng xử chuyên nghiệp.
Để biết thêm nhiều tips bổ ích như kinh nghiệm phỏng vấn, đừng ngần ngại theo dõi fanpage FYE ngay nhé!