admin@fye.org.vn
0974506616

Các kỹ năng nhà tuyển dụng yêu cầu đối với sinh viên mới tốt nghiệp

📌Một sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của một trường đại học thông thường và một sinh viên tốt nghiệp loại trung bình của một trường đại học thuộc hạng top, nhà tuyển dụng sẽ chọn ai?

Nếu bạn hỏi một thanh niên 17 tuổi xem liệu họ sẽ làm gì để có một công việc trong tương lai, câu trả lời có thể là ‘’Trước hết tôi cần phải đỗ vào một trường đại học có thứ hạng cao’’. Khi 18 tuổi, câu trả lời có thể khác đi một chút: ‘’Tôi cần phải học lớp cùng những người giỏi nhất’’. Vẫn là câu hỏi ấy nhưng với một người 19 tuổi, bạn có thể nhận được câu trả lời là:‘’Tôi cần có một tấm bằng tốt nghiệp hạng ưu’’.


Thực tế, không ít các bạn sinh viên cho rằng điểm số và tấm bằng đại học là rất quan trọng. Thậm chí chúng ta dành cả ba năm cấp ba nỗ lực bằng mọi giá để đỗ vào một ngôi trường đại học chất lượng với niềm tin rằng chỉ cần xướng tên trường đại học đó, chúng ta đã có ngay một tấm vé trúng tuyển khi bước vào thị trường lao động.


Tuy nhiên, cuộc khảo sát gần đây được tiến hành bởi tổ chức Chronicle of Higher Education (Mỹ) lại cho ra kết quả trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ kể trên. Kết quả khảo sát cho thấy các nhà tuyển dụng hầu như ít quan tâm tới việc bạn tốt nghiệp từ trường đại học danh tiếng hay không, điểm tốt nghiệp là bao nhiêu, bạn xếp đầu bảng hay “đội sổ” trong lớp. Cái mà họ cần ở ứng viên chính là trải nghiệm bên ngoài kiến thức học thuật như: thực tập, việc làm thêm, tình nguyện và các hoạt động ngoại khóa khác. Những điều đó khiến cho ứng viên có thể thích nghi nhanh hơn với công việc, có kỹ năng mềm để đảm bảo tác phong làm việc chuyên nghiệp và do đó công ty không cần phải mất quá nhiều công sức, chi phí và thời gian để đào tạo.

kỹ năng nhà tuyển dụng cần ở sinh viên mới ra trường
Mặc dù kiến thức trong trường học không phải là mối quan tâm hàng đầu của các nhà tuyển dụng nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cho rằng trường lớp, điểm số hoàn toàn không quan trọng. Các nhà tuyển dụng có thể không bận tâm lắm đến những kỹ năng và kiến thức về học thuật nhưng những sinh viên xin được một vị trí thực tập tốt lại THƯỜNG là người có điểm số khá ở lớp, và trong một trường học có chất lượng, định hướng tốt. Có một nền tảng kiến thức học thuật tốt sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội tìm được việc thực tập, làm thêm mới, từ đó tích lũy thêm kinh nghiệm. Như vậy, trên cương vị một nhà tuyển dụng, khi họ đánh giá kinh nghiệm thực tập của bạn cũng đã gián tiếp đánh giá được một phần năng lực, kiến thức và sự hiểu biết về học thuật của bạn.

 

Còn tại Việt Nam, theo như kết quả của một khảo sát với 139 nhà tuyển dụng nhân sự chất lượng cao tại các KCN thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trong các yêu cầu của nhà tuyển dụng đối với sinh viên mới tốt nghiệp thì yêu cầu đầu tiên được đánh giá rất cao là kỹ năng mềm; kế đến là kinh nghiệm trước khi tốt nghiệp; kỹ năng giải quyết vấn đề; danh tiếng trường đại học và sau cùng là kiến thức nghiệp vụ chuyên môn.

Đánh giá của nhà tuyển dụng về yêu cầu cơ bản đối với sinh viên tốt nghiệp đại học

Trong đó, các nhóm yếu tố được hiểu như sau:
– Kỹ năng mềm: Kỹ năng giao tiếp bằng văn bản, Kỹ năng giao tiếp bằng lời nói, Kỹ năng lắng nghe, Tính chuyên nghiệp, Kỹ năng làm việc nhóm.
– Kỹ năng giải quyết vấn đề: Kỹ năng tư duy phản biện, Kỹ năng tư duy sáng tạo, Kỹ năng lãnh đạo, Khả năng thích ứng.
– Kiến thức nghiệp vụ chuyên môn: Chuyên môn, Kỹ năng nghề nghiệp cụ thể, Kiến thức về tin học.
– Kinh nghiệm trước khi tốt nghiệp: Kinh nghiệm làm việc tích lũy được khi đi thực tập/làm bán thời gian, Tự tin trong công việc.
– Danh tiếng trường đại học: Danh tiếng Nhà trường, Danh tiếng chương trình đào tạo, Kết quả học tập của sinh viên.


Như vậy, kỹ năng mềm và kinh nghiệm làm việc là hai yếu tố được các nhà tuyển dụng quan tâm nhất khi xét tuyển đối với các bạn sinh viên mới ra trường. Cứ lấy quy trình tuyển dụng hiện nay làm minh họa, bạn viết CV xin việc, nộp cho nhiều công ty và nếu nhận được phản hồi từ nhà tuyển dụng, bạn sẽ phải tham gia phỏng vấn. Nếu chỉ bằng cấp là đủ thì tại sao còn phải thông quá khâu phỏng vấn? Xem bằng cấp bạn nộp chẳng phải xong rồi sao? Suy cho cùng, tấm bằng cử nhân chỉ giúp bạn vượt qua vòng nộp đơn xin việc, nhưng không đủ chứng minh rằng bạn là ứng viên lý tưởng cho vị trí đó.


Cách đây một thời gian, nổi lên câu chuyện về một sinh viên tốt nghiệp bằng giỏi, có đầy đủ chứng chỉ tiếng anh, tin học, tham gia rất nhiều các hoạt động ngoại khóa nhưng cô gái vẫn trượt phỏng vấn chỉ vì ứng xử kém trước nhà tuyển dụng. Điều này chứng minh rằng các ứng viên không chỉ cần có trình độ mà còn cần cả thái độ, không chỉ cần trang bị ‘’túi chuyên môn’’ mà còn cần cả ‘’túi văn hóa’’ để có thể thực sự chiến thắng trong quá trình tuyển dụng.


Trong xu thế chuyển dịch như hiện nay, cầm một tấm bằng đại học loại ưu trên tay cũng chưa chắc đã là một sự đảm bảo vững chắc cho cơ hội nghề nghiệp của bạn. Các công ty không chỉ yêu cầu một nhân viên có kiến thức chuyên ngành, hay một tấm bằng tốt nghiệp, mà những kỹ năng khác bao gồm cả cách hành xử, năng lực giao tiếp, thể hiện bản thân… cũng được đưa ra trong quá trình tuyển dụng.

 

Theo dõi page để cập nhật những thông tin hữu ích nhất trong hành trình phát triển bản thân,