Mới đi làm, các bạn sinh viên lo lắng điều gì?
Có người ví học đại học như một giấc mơ đẹp đẽ của tuổi trẻ. Tiếc rằng thời gian tươi đẹp này lại trôi qua quá nhanh. Thoáng cái các bạn sinh viên đã phải chuẩn bị hồ sơ rồi đi thực tập, đi làm, bước sang một trang hoàn toàn mới. Các bạn phải đối mặt với nhiều thử thách, vấn đề mới hơn nảy sinh. Hãy cùng FYE ‘’bắt bệnh” những khó khăn điển hình mà hầu hết các bạn gặp phải khi mới đi làm nhé.
Loay hoay vì môi trường làm việc khác xa so với tưởng tượng
Nhiều bạn khi mới vào công ty, mặc dù đã tìm hiểu kỹ càng văn hoá, môi trường làm việc, vẫn gặp phải những điều trái với tưởng tượng trước đó. Từ đồng nghiệp, sếp, cho đến bộ phận nhân sự đều có thể mang đến những vấn đề cho bạn và sẽ có lúc, bạn phải chấp nhận sự thật rằng không phải môi trường nào cũng có văn hoá doanh nghiệp lành mạnh và không phải ai cũng chia sẻ tầm nhìn, giá trị mà bạn theo đuổi.
Mơ hồ, mông lung vì không có người hướng dẫn
Thực tế, có rất nhiều công ty quá bận rộn để có thể chỉ dạy, hướng dẫn cho bạn. Đôi khi, bạn sẽ rơi vào tình trạng “tự bơi”. Mặc dù điều này có thể không ảnh hưởng với những bạn đã có chút chuyên môn, kinh nghiệm nhưng với sinh viên trong thời kỳ thực tập, các bạn sẽ cảm thấy khó khăn hơn. Bắt đầu từ đâu? Như thế nào? Mình nên tìm kiếm sự trợ giúp từ ai? Rất nhiều thực tập sinh bị ngợp bởi những câu hỏi không lời giải như vậy.
Bởi vậy sau khi thời gian thực tập, thử việc kết thúc, nhiều bạn sinh viên không học hỏi được nhiều, không tích lũy được kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết cho công việc sau này. Rất lãng phí thời gian và công sức.
Chán nản vì công việc không được như kỳ vọng
Đôi khi kỳ vọng mình đặt ra cho công việc lại không như những gì thực tế đang diễn ra. Nhiều bạn thì “vỡ mộng” do công việc quá bận bịu, không đủ thời gian dành cho bản thân, nhiều bạn lại chán nản vì công việc quá nhàn rỗi, ngồi không cả ngày.
Khi không xác định được ngành nghề, phương hướng mình muốn theo đuổi, thì việc gắn bó với một công việc khi ra trường là điều rất khó. Nếu không đủ đam mê, kiên nhẫn, các bạn dễ rơi vào vòng lặp nhảy việc – tìm việc mới mà không biết rằng mình chưa giải quyết gốc rễ của vấn đề.