admin@fye.org.vn
0974506616

Tọa Đàm Chuyên Viên Hướng Nghiệp Do Fye Và Topcv Tổ Chức

Ngày hội hướng nghiệp Career Orientation Consulting (COC) 2020 đã khẳng định sự quan tâm của các bạn học sinh tới việc khám phá bản thân, hiểu ngành nghề và lựa chọn ngành học phù hợp với sở thích, năng lực cá nhân. Nhận thấy công tác hướng nghiệp tại Việt Nam đang ngày được quan tâm và mong muốn xây dựng mạng lưới các chuyên viên hướng nghiệp sôi nổi, Quỹ Hỗ trợ Phát triển Thanh niên và TopCV đồng tổ chức buổi tọa đàm cùng chuyên viên hướng nghiệp ngày 16/1 vừa qua với chủ đề “Trao đổi cách thức hướng nghiệp hiệu quả tại Việt Nam”.

 

Công tác hướng nghiệp trên thế giới hay những công cụ giúp xác định bản thân đã được giới thiệu tới học sinh ngay từ rất sớm. Tuy nhiên tại Việt Nam, khoảng 5 năm gần đây, giáo dục hướng nghiệp mới bắt đầu được nhiều phụ huynh và nhà trường chú trọng hơn. Trên thực tế, chương trình học hướng nghiệp vẫn đang ở giai đoạn mới bắt đầu, chưa thực sự được đầu tư chuẩn chỉ giống như một môn học. Hơn nữa, số lượng các chuyên viên hướng nghiệp tại Việt Nam chưa nhiều và họ cũng chưa có nhiều cơ hội được vận dụng kiến thức mình học để tư vấn các bạn học sinh. Chính vì vậy thông qua sự kiện COC 2020, buổi tọa đàm cũng như các dự án tương lai, Quỹ FYE có cơ hội kết nối với nhiều chuyên viên, giúp mở rộng mạng lưới và đưa câu chuyện hướng nghiệp tới gần hơn với các bạn học sinh.

 

Trong buổi gặp mặt vừa qua, chị Đinh Huyền Hương – Giám đốc Quỹ gửi lời cảm ơn chân thành tới các chuyên viên hướng nghiệp đã đồng hành cũng FYE trong sự kiện COC 2020 đồng thời bày tỏ mong muốn hợp tác và đồng hành của các anh/ chị với vai trò cố vấn trong các dự án hướng nghiệp sắp tới.

 

Chị Hương – Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Phát triển Thanh niên (FYE) gửi lời cảm ơn đến các anh chị CVHN

Với chủ đề “Trao đổi cách thức hướng nghiệp hiệu quả tại Việt Nam”, các chuyên viên hướng nghiệp đã chỉ ra những khó khăn của bản thân trong việc thực hiện công tác hướng nghiệp và cùng nhau thảo luận, đề xuất giải pháp. Qua chia sẻ, ba khó khăn lớn nhất mà anh/chị gặp trong quá trình hướng nghiệp là:

 

  • Nguồn nhân lực trong công tác hướng nghiệp còn thiếu và chất lượng chưa cao, thời lượng giáo dục hướng nghiệp tại trường THPT còn ít: Thiếu giáo viên chuyên trách mảng hướng nghiệp, không có mạng lưới chuyên viên hướng nghiệp chuyên nghiệp, khó khăn trong việc tìm công cụ phù hợp với HS-SV.
  • Nguồn thông tin thị trường lao động và thế giới nghề nghiệp còn hạn chế, phân tán, chưa có sự tập trung: chưa có cổng thông tin nghề nghiệp quốc gia.
  • Công tác truyền thông về hướng nghiệp còn yếu. Phụ huynh – Học sinh chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng của hướng nghiệp.

 

Các CVHN chia nhóm thảo luận các giải pháp cho những thực trạng đang tồn tại xung quanh vấn đề hướng nghiệp

 

  1. Nguồn lực – chuyên môn

Hiện tại, mạng lưới các chuyên viên hướng nghiệp đang hoạt động còn phân tán, chưa có nhiều không gian để các chuyên viên kết nối, chia sẻ kiến thức, nâng cao chuyên môn. Bên cạnh đó, các CVHN gặp khó khăn trong việc tiếp xúc nguồn thông tin chuẩn về thị trường lao động Việt Nam giúp anh/ chị trong quá trình tư vấn hướng nghiệp cho các em học sinh.

 

Với thực trạng này, các anh chị trong buổi tọa đàm đề ra một số giải pháp như:

 

  • Tăng thời lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phụ trách hướng nghiệp tại các trường.
  • Phát triển bộ tài liệu chuyên môn dành cho chương trình hướng nghiệp.
  • Kết hợp tổ chức phi chính phủ để thành lập mạng lưới chuyên viên hướng nghiệp và tổ chức workshop về đào tạo chuyên môn.
  • Thiết lập cổng thông tin nghề nghiệp chuẩn quốc gia (có sự bảo trợ của bộ Giáo dục và đào tạo) hoặc ứng dụng công nghệ về hướng nghiệp hoặc thông tin thị trường lao động Việt Nam.

 

  1. Chính sách và định hướng

 

Ở các trường THPT, thời gian của giáo dục hướng nghiệp chưa được trở thành một tiết học, chưa có giáo viên chuyên trách phụ trách mảng hướng nghiệp cho các khối lớp. Hơn nữa, không phải phụ huynh hay học sinh nào cũng hiểu rõ hướng nghiệp là gì và nhiệm vụ của chuyên viên hướng nghiệp, do đó truyền thông về hướng nghiệp rất quan trọng và cần được đầu tư hơn nữa. Để giải quyết vấn đề về chính sách và định hướng đôi với công tác hướng nghiệp, 3 giải pháp được đề xuất bởi các chuyên viên hướng nghiệp trong buổi tọa đàm là:

 

  • Đưa các buổi học về hướng nghiệp nhiều hơn trong chương trình học trên trường.
  • Phối hợp các tổ chức về phát triển thanh niên để tổ chức hoặc tham dự, cố vấn các chương trình về hướng nghiệp.
  • Kết hợp với doanh nghiệp tổ chức company tour, hội chợ việc làm, chương trình internship,…
  • Truyền thông về hướng nghiệp theo hướng cá nhân và cấp tổ chức: các chuyên viên hướng nghiệp, bản thân có thể là một “KOL” chia sẻ về hướng nghiệp cho những network cá nhân, đồng thời thông qua những tổ chức, tập thể để truyền thông về công tác hướng nghiệp.

 

  1. Học sinh – Phụ huynh 

 

Tại buổi tọa đàm, các CVHN đề cập tới những khó khăn từ phía học sinh – phụ huynh và nhà trường trong công tác hướng nghiệp như phụ huynh chưa hiểu tại sao hướng nghiệp lại cần thiết, sự quan trọng của hướng nghiệp sớm hay học sinh cũng chưa chú tâm tới việc tìm hiểu hướng nghiệp, khám phá bản thân mà chỉ nghe theo yêu cầu của bố mẹ.

 

Do đó về khía cạnh này, các chuyên viên hướng nghiệp đề xuất hướng giải quyết như:

 

  • Tổ chức các buổi workshop dành riêng cho phụ huynh và giáo viên.
  • Chia sẻ về hướng nghiệp trong các buổi họp phụ huynh.
  • Tổng hợp tài liệu chuyên môn và chia sẻ cho phụ huynh và học sinh.

 

Có thể nói, phần thảo luận giữa các chuyên viên hướng nghiệp diễn ra vô cùng sôi nổi mà từ đó BTC cũng như đơn vị đồng hành đều học được những điểm mới trong cách xây dựng dự án hướng nghiệp trong tương lai. Sau buổi tọa đàm, chị Huyền (Điều phối viên dự án của Tổ chức Lao Động quốc tế tại Việt Nam (ILO) chia sẻ rằng “Qua buổi tọa đàm, chị có kết nối thêm với các anh/ chị khác – những người cùng đam mê làm về hướng nghiệp như chị. Bên cạnh đó, thông tin về cổng thông tin quốc gia sẽ được giới thiệu trong thời gian sắp tới, Skill2Job khiến chị rất thích thú vì đó có thể là công cụ hữu ích không chỉ giúp chị trong quá trình tư vấn mà còn giúp các bạn học sinh tìm hiểu về các ngành nghề trong tương lai.”

 

 

Qua buổi gặp mặt thân mật này, Quỹ FYE cũng gửi lời mời tới các chuyên viên hướng nghiệp tham gia với vai trò cố vấn cho cuộc thi “Ý tưởng hướng nghiệp 2021” dưới sự hợp tác giữa FYE và TopCV. Đây là cuộc thi toàn quốc nhằm giúp các thanh niên thể hiện ý tưởng của mình trong công tác đưa chuyện hướng nghiệp trở nên thực tiễn và gần gũi hơn với học sinh. Dự kiến cuộc thi sẽ bắt đầu khởi tranh từ tháng 3/2021 và 15 ý tưởng xuất sắc nhất sẽ được lựa chọn để thực thi tại ba miền Bắc – Trung – Nam.

 

—————————

FYE là tổ chức xã hội phi lợi nhuận, được thành lập theo Quyết định số 102/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ cấp ngày 24 tháng 02 năm 2020. Ngày 04 tháng 05 năm 2020, Quỹ ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện số 01/TTHT/FYE-TWD với Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về việc kết hợp đào tạo, hỗ trợ thanh niên.