Hãy tưởng tượng bạn đang làm việc nhóm, và có một người trong nhóm xung phong thiết kế bài thuyết trình dự án một cách tự tin và hồ hởi. Vậy nhưng khi nhận được thành phẩm của người này, bạn thấy không ổn chút nào: bố cục sắp xếp lộn xộn, quá nhiều chữ trong một slide, phông chữ không đồng đều giữa các trang,… Bạn cố gắng giải thích điều đó với người bạn đó, nhưng bạn ấy lại không thấy có điểm gì xấu và cho rằng bài thuyết trình đã được thiết kế rất hoàn hảo trong mắt bạn ấy.
Hiểu về năng lực của mình, mình đứng ở đâu so với những người khác là điều quan trọng trong quá trình phát triển bản thân của mình, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy rằng chúng ta lại không giỏi trong việc đánh giá bản thân một cách chính xác, và thực tế, thường rơi vào trường hợp đánh giá bản thân cao hơn những gì mình thể hiện.
Dưới góc độ của các nhà nghiên cứu, hiện tượng này thường được biết đến là hiệu ứng Dunning-Kruger. Khi vô tình rơi vào hiệu ứng, chúng ta thường:
- Dễ có những lựa chọn, quyết định sai lầm
- Khó công nhận chuyên môn và kỹ năng thực sự của người khác
- Không nhận ra sai lầm và thiếu sót của chính bản thân, hay đổ thừa hoàn cảnh
Trong bài viết dưới đây, hãy cùng FYE đào sâu thêm về thuật ngữ thú vị này, từ đó tránh để mình rơi vào cái bẫy thiên vị nhận thức trên con đường phát triển bản thân nhé!
Có thể bạn sẽ quan tâm: Kỹ năng lãnh đạo là gì và các bước để phát triển kỹ năng lãnh đạo cho chính mình
1. Nguồn gốc của thuật ngữ
Khái niệm về hiệu ứng Dunning-Kruger được đặt theo tên của hai nhà tâm lý học là David Dunning và Justin Kruger. Hai người đã thử nghiệm các nghiên cứu kiểm tra những người tham gia về logic, ngữ pháp và độ hài hước của họ. Bất ngờ là, những người thể hiện kém nhất và nằm trong top dưới đã đánh giá khả năng của họ nằm trên mức trung bình của thang điểm.
2. Tại sao nó lại xảy ra
Cấu tạo của não bộ khiến chúng ta chỉ nhìn thấy được những gì xảy ra trước mắt và khó cảm được những gì nó không biết. Người không biết nhiều về một chủ đề sẽ không có đủ kiến thức hoặc kỹ năng để phát hiện ra sai lầm hoặc lỗ hổng kiến thức của chính họ. Bởi vì điểm mù này, họ không thể nhìn thấy mình đang làm sai ở đâu và do đó cho rằng mình đang làm rất tốt.
Mặt khác hiệu ứng Dunning-Kruger lại quan trọng vì nó giúp chúng ta nhận thức được những điểm mù của mính và và cho chúng ta cơ hội để điều chỉnh.
Ngoài ra, hiệu ứng Dunning-Kruger còn có thể khiến chúng ta nghe theo những người “có vẻ” tự tin, phát biểu ý kiến trước thay vì lắng nghe những người có uy tín trong lĩnh vực đó.
“Sự thiếu hiểu biết thường tạo ra sự tự tin hơn là kiến thức.” (Charles Darwin)
3. Cách vượt qua hiệu ứng Dunning-Kruger
- Luôn đặt câu hỏi về những gì mình biết và không biết: có những công cụ gì để đo lường khả năng của mình? (vd: các bài kiểm tra, khoá học,…), mình còn có thể đào sâu được thêm không? liệu những gì mình đã biết đã đủ để mình đánh giá khách quan?
- Dừng lại khi thấy mình suy nghĩ “tôi không thể sai”, “tôi chắc chắn” mà bỏ qua quá trình nghiên cứu, đào sâu thêm. Luôn nghĩ trong đầu rằng bạn có thể sai và người khác hoàn toàn có thể lập luận bác bỏ ý kiến của bạn.
- Tập thói quen lắng nghe ý kiến, phản hồi từ người khác: chúng tôi biết mọi người thường không có phản ứng tốt trước những lời chỉ trích và không có thói quen tiếp nhận những lời phê bình mang tính xây dựng, vậy nhưng phản hồi từ không chỉ một mà nhiều người khác sẽ cần thiết cho bạn tự nhận thức về năng lực của mình.
Hãy nhớ rằng giống như bạn, rất nhiều người khác cũng đang trải qua hiệu ứng Dunning-Kruger mà không hề hay biết. Vậy nên việc ý thức được nó tồn tại, và biết đánh giá mức độ ảnh hưởng của hiệu ứng lên bạn đã là bước tiến siêu to khổng lồ rồi đấy!
Theo dõi fanpage của FYE để được cập nhật những tin tức mới nhất và kiến thức xoay quanh vấn đề phát triển bản thân nhé!